Như 1 bức tranh cần tô màu. Nếu bạn chưa hiểu về các màu sắc dù
bạn có trong tay hay các màu sắc cơ bản của bức tranh thì bạn không thể tô màu được. Mix Master cũng vậy và chúng ta cùng đến với việc nhận thức đúng về mix master trước khi học về nó
1- Mixing và Mastering là 2 trong rất nhiều quá trình khi sản xuất âm nhạc.
Như 1 hệ thống liên quan chặt chẽ đến nhau, mixing và mastering yếu sẽ làm chất lượng của cả sản phẩm đi xuống và tương tự tại các khâu khác (VD Thu âm ca sỹ trong môi trường bị ồn (noise), hát phô, hòa âm phối khí dở, anh thanh niên chơi guitar lúc đánh như sờ vào dây, lúc thì quật ầm ầm...) thì dù bạn là siêu nhân về mixing và mastering cũng không thể bù đắp được những khoảng trống trước đó.
- Mixing: Hòa trộn các âm thanh đơn lẻ trong bản nhạc thành 1 thể thống nhất. Quyết định vai trò của từng âm thanh trong 1 hỗn hợp nhạc. Chỉ có nguyên lý của hiệu ứng (effect) mới có đúng hoặc sai chứ không có mixing đúng hoặc sai. Nhận định cho phần mixing chỉ có hay hoặc dở, thích hoặc không thích. Đôi khi, phần hòa âm phối khí đã quá tốt, các bạn chỉ cần cân bằng âm lượng (ballancing) đã cho ra 1 phần mixing tốt rồi.
- Mastering: Quá trình quyết định đầu ra cuối cùng của sản phẩm, quyết định màu sắc, độ ồn (loud), dải động (dynamic) để phù hợp với tính chất dòng nhạc, thiết bị phát nhạc hoặc địa điểm phải nhạc.
2 - Các yếu tố cần hiệu chỉnh trong mixing và mastering
Việc trước tiên các bạn phải nắm được các yếu tố và các bạn "cảm" được nó cái đã. Bạn sẽ không quyết định được tăng âm lượng bao nhiêu là vừa nếu bạn không giỏi phân biệt độ chênh lệch âm lượng, bạn sẽ làm cho bản nhạc bị tệ đi trong quá trình master nếu bạn không nghe ra được sự biến dạng mà cứ cố gắng cho to lên.
- Âm lượng: Đây là yếu tố dễ nhận biết nhất của âm thanh và cũng là thứ quan trọng nhất. Bản nhạc của các bạn có thể bị khô, có thể bị bé, có thể bị đục. Tất cả có thể bỏ qua nhưng bản nhạc bị thọt tiếng kick, snare của bạn quá to hay tiếng bass của bạn như đấm vào tai người nghe thì nó là thảm họa.
- Các dải tần số (Frequency): Âm thanh bất kỳ được xây dựng bởi tần số chính và các họa âm. Tần số chính quyết định cao độ (cái này nằm ở Hòa Âm Phối Khí) và các họa âm sẽ quyết định âm sắc. Trung bình, tai người nghe được ở dải tần số 20~20khz. Dải thấp (low) từ 20~200 tạo ra âm trầm (bass). Dải trung (mid) từ 200~4000 tạo ra âm thanh trung. Dải cao (high) tạo ra âm thanh cao (tresible). Việc nắm rõ và cảm nhận âm sắc của từng dải tần số phải để các bạn rèn luyện và "cảm" chứ không thể dùng bất cứ 1 định nghĩa nào để mô tả được. Việc cảm nhận được các dải tần số giúp bạn thay đổi sắc thái của các nhạc cụ trở nên dễ nghe hơn, hòa quện với nhau hơn cũng như quyết định tính chất về màu sắc của bản nhạc khi hoàn thiện
- Âm thanh nổi (Stereo): Thực tế thì mỗi âm thanh đơn (mono) trong 1 không gian nhất định sẽ được 2 tai tiếp nhận khác nhau. Âm thanh đó có thể lớn hơn ở bên trái nhỏ hơn ở bên phải hoặc ngược lại. Có những âm thanh di chuyển từ phải sang trái hay ngược lại. Tất cả những yếu tố đó gọi là âm thanh nổi (Stereo). Nhận biết được âm thanh nổi sẽ giúp các bạn xác định được vị trí của nguồn âm thanh trong quá trình mixing/mastering từ đó dẫn đến việc lựa chọn, thay đổi vị trí khiến các nhạc cụ không bị đè lên nhau, không bị dồn vào 1 chỗ hay quá rời rạc.
- Độ biến dạng (Distor): Khi âm thanh mất kiểm soát (vượt quá giới hạn ở 1 đặc điểm nào đó, thường là âm lượng) thì sẽ bị biến dạng, không còn giữ được âm thanh như ban đầu. Nắm được sự biến dạng giúp quá trình master của các bạn suôn sẻ và đạt kết quả tốt hơn ở đầu ra. VD khi các bạn đẩy âm lượng trung bình tới -6LUFS và bị biến dạng khá nhiều, nếu bạn nghe thấy sự biến dạng đó, bạn sẽ biết để quay lại xử lý dynamic của bản nhạc, nhạc cụ đến khi độ méo trong vùng chất nhận được. Thế nhưng khi bạn không nhận ra, người khác bảo méo quá, bạn mở bản phối lên để làm lại thì bạn không nhận ra sự méo mó đó dẫn đến bạn có điều chỉnh cái gì cũng không đạt được kết quả.
- Hồi Âm, Vang (Reverb): Reveb là quá trình âm thanh được phát tại 1 không gian nhất định, các âm thanh va đập vào vật cản và phản xạ trở lại tai người nghe. Cảm nhận được hồi âm giúp chúng ta cảm nhận được không gian nhạc cụ đang đặt vào, tái tạo 1 không gian cụ thể tạo cảm giác sống động cho nhạc cụ hoặc giúp đưa các nhạc cụ về chung không gian giúp dễ hòa quyện các nhạc cụ lại với nhau hơn. Đây có lẽ là yếu tố khó cảm nhận nhất khi các bạn học về các nguyên lý của âm thanh (Làm tiếng động cho phim có lẽ là đỉnh cao nhất của Reverb khi bạn phải hình dung ra âm thanh của bạn cần reverb như thế nào ứng với không gian đang phát trên màn ảnh nhằm tạo cảm giác thật nhất)
Các bạn có thể rèn luyện khả năng "cảm" của các bạn mỗi ngày với 1 trang web rất tuyệt vời (Google: Soundgym)
3 - Những sai lầm chết người khi mixing/mastering
Phải chơi thật nhiều hiệu ứng mới là mixing/mastering khủng: Như mình nói bên trên hòa âm phối khí đã tốt thậm chí chẳng cần phải làm gì, cân bằng âm lượng giữa các nguồn âm thanh là xong. Khi các bạn không hiểu hay không cảm được các yếu tố mà các bạn sử dụng hiệu ứng bừa bãi, hậu quả tất yếu sẽ là tác dụng ngược.
- Mastering cho nhạc càng to thì càng tốt: Mọi người bị đánh lừa bởi mức chênh lệch âm lượng, trước kia mình cũng vậy, thấy đẩy âm lượng được đẩy to lên cứ tưởng là nhạc căng hơn. Nhưng thực tế khi âm thanh của các bạn bị quá giới hạn (cliping) các bạn dùng các hiệu ứng tác động vào âm lượng thì sẽ xảy ra hiện tượng bị nghẹt hoặc biến dạng (Distor). Đồng nghĩa với việc bản mixing của bạn chạm ngưỡng clipng sẽ có chất lượng và âm lượng tối ưu nhất, không phải to hơn là tốt hơn. Mình có bài test khi master ở các mức độ ồn khác nhau rồi cân bằng lại năng lượng thì những bản có độ ồn càng lớn thì chất lượng càng tệ
- Export ra 1 bản duy nhất sau quá trình master: Thường là các bạn sẽ tăng âm lượng lên hết mức có thể sau đó export ra và ném lên khắp các nền tảng. Đây là 1 việc làm lãng phí công sức mastering của bạn rất nhiều (mà tác dụng còn ngược lại). Một bản nhạc được stream trên Youtube đều bị hạ xuống mức âm lượng để năng lượng trung bình là -14 LUFS. Khi bản nhạc của các bạn quá lớn, Youtube sẽ giảm độ lớn bản nhạc của bạn. Vậy thì tại sao phải chấp nhận nhạc bị méo, đẩy to lên hết cỡ rồi sau đó cũng bị làm bé lại??? Mình thường export ra 3 bản: 1 bản lưu trữ và nghe trên máy tính cũng như điện thoại tại -11 LUFS, 1 bản để đưa lên các nền tảng phát nhạc ở mức -14 LUFS và 1 bản dùng để chơi trong các set DJ có độ ồn lại Drop là -6LUFS (Tại các chương trình biểu diễn nhạc điện tử, Nhạc có xu hướng đẩy lớn hơn để giúp tiết kiệm... chi phí cho loa hay Amplifier)
Trên đây là toàn bộ những tư duy mà các bạn cần chuẩn bị trước khi tiến hành học Mixing/Mastering. Hy vọng với bước khởi đầu này sẽ giúp các bạn thay đổi tầm nhìn về Mixing/Mastering để bắt đầu mọi thứ 1 cách đúng đắn hơn.
Và nếu như các bạn thấy bài viết hay, đừng ngần ngại chia sẻ nó để nhiều người được biết cũng như là động thái ủng hộ tôi và VBK Music tiếp tục cống hiến tâm huyết của mình.
Nếu muốn tìm hiểu về lộ trình học nhạc, hãy điền thông tin vào biểu mẫu rồi bên mình sẽ liên hệ tư vấn chi tiết