Nhạc chúng mày bây giờ dở bỏ m*
Nhạc ngày xưa hay mà ý nghĩa lắm đâu như nhạc bây giờ.
Tôi đã quá quen với câu chuyện về việc thế hệ trước chê nhạc thế hệ sau. Từ khi tôi bắt đầu hình thành gout nhạc thì gặp phải ý kiến của bố mẹ và mấy ông anh trong xóm. Tuổi thơ của tôi lớn lên với nhạc Hoa lời Việt và nhạc Pop ballad Hàn Quốc thống trị. Đến khi nhạc rap bắt đầu thịnh hành tại Việt Nam từ diễn đàn Lady Killer thì cũng là lúc tôi bắt đầu thấy được thế hệ của mình đi chê bai dìm hàng thậm chí cay nghiệt với thế hệ tiếp sau.
Và rồi các làn sóng âm nhạc cứ nối tiếp nhau và thế hệ trước cứ tìm cách dìm hàng và chê bai nhạc của thế hệ sau. Tôi thì ko nghĩ như vậy. Tất cả mọi vận động của thế giới âm nhạc đều có lý lẽ riêng của nó và không phải tự dưng nó trở nên thịnh hành.
Những thế hệ trước thường có tâm lý là nhạc ngày xưa hay hơn rất nhiều và ý nghĩa hơn rất nhiều. Tuy nhiên những gì đọng lại trong tâm trí của thế hệ trước là những bài hát rất hay và ý nghĩa. Họ quên mất rằng có rất nhiều bài hát cũng rất tệ và sáo rỗng trong thời kỳ của họ. Tương tự như việc khen đồ điện tử ngày xưa tốt. Thực tế thì khi trải qua mấy chục năm, thứ mọi người nhìn thấy được là những thứ tồn tại còn lại. Mọi người không hay nhìn thấy những thứ đã bị bỏ đi trong suốt quá trình mấy chục năm đó. Và tương tự đối với âm nhạc họ chỉ nhớ những bài hay và so sánh với những bài dở ở thời điểm hiện tại. Đây gọi là thiên kiến sống sót các bạn có thể tìm hiểu, mình không tiện đề cập cả câu chuyện ở đây.
Một vấn đề nữa đó là gout âm nhạc. Các thể loại nhạc và các trào lưu âm nhạc thường rất khác nhau về mặt tính chất và cảm xúc. Và theo nghiên cứu dựa trên dữ liệu của Spotify do phóng viên Stephens -Davidowitz tiến hành thì con người thường hình thành gu âm nhạc từ khoảng 12 tuổi đến năm 22 tuổi. Nên các bạn có thể thấy trừ những người hoạt động trong âm nhạc và vô cùng đam mê tìm hiểu về âm nhạc mới có sự thưởng thức đa dạng các thể loại nhạc. Còn lại về cơ bản sau khi trải qua quá trình hình thành gu âm nhạc, con người thường có xu hướng nghe các loại nhạc giống với gu âm nhạc của mình hoặc nghe đi nghe lại những bài cũ. Nên khi một trào lưu mới xuất hiện khác biệt với gu âm nhạc của họ thường họ sẽ có xu hướng từ chối tiếp nhận những thông tin mới.
Suy cho cùng việc thưởng thức âm nhạc nói riêng và thưởng thức nghệ thuật nói chung là để thỏa mãn sở thích và đam mê cá nhân. Nếu sở thích và đam mê cá nhân của các bạn không làm ảnh hưởng đến người khác thì không có gì phải ngại cả. Và cũng chẳng có gì phải chê trách gu âm nhạc và sở thích âm nhạc của người khác. Điều đó không làm các bạn trở nên giá trị hơn mà ngược lại còn làm xấu hình ảnh của bạn trong mắt người đối diện vì sự thượng đẳng.
Nếu muốn tìm hiểu về lộ trình học nhạc, hãy điền thông tin vào biểu mẫu rồi bên mình sẽ liên hệ tư vấn chi tiết